Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Nữ anh hùng chế tạo MBA 500kV

(luộc nấu từ internet)

Nền móng đã có

Năm 2003, khi chiếc máy biến áp 220kV đầu tiên của Việt Nam do Công ty Cổ phần Chế tạo Thiết bị điện Đông Anh (EEMC) sản xuất được lắp đặt và vận hành an toàn, hiệu quả tại Trạm 220kV Sóc Sơn, nhiều người đã cho rằng, có lẽ đây là thành tựu cuối cùng của ngành cơ khí điện lực nước ta.

Thế nhưng, ý tưởng nghiên cứu và chế tạo máy biến áp 500kV đã được lãnh đạo công ty nâng lên thành chủ trương trong Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ công ty nhiệm kỳ 2005 - 2010, và được triển khai quyết liệt. Ngay cả khi doanh nghiệp chuyển hoạt động sang mô hình công ty cổ phần, công ty vẫn kiên định mục tiêu tập trung mọi nguồn lực để chế tạo bằng được máy biến áp 500kV - 3 x 150MVA




Ðộng lực chính thúc đẩy EEMC quyết tâm sản xuất máy biến áp 500kV chính là theo Quy hoạch phát triển điện VI có tính đến năm 2020, hệ thống lưới điện quốc gia cần phải xây dựng tới 93 trạm biến áp 500kV. Mặt khác, từ năm 2005, đội ngũ kỹ sư, lao động giỏi của EEMC trực tiếp sửa chữa thành công 4 tổ máy biến áp của Nhà máy Thủy điện Ya Ly và nhiều tổ máy 500kV ở Ðà Nẵng, Hòa Bình... trong hệ thống lưới điện 500kV của nước ta khi gặp sự cố. Bên cạnh đó, công ty cũng  có khá nhiều kinh nghiệm trong việc chế tạo thành công hàng nghìn máy biến áp các loại, trong đó có 231 máy biến áp 110kV và 22 máy biến áp 220kV, đã được lắp đặt, vận hành an toàn tại các địa phương trong cả nước

Chuẩn bị

Các giải pháp đồng bộ được gấp rút triển khai, bao gồm: Hoàn thiện hồ sơ thiết kế, quy trình công nghệ, danh mục các tài liệu nghiên cứu của Ðề tài khoa học cấp nhà nước về chế tạo máy biến áp 500kV; cử cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao tới các trạm biến áp trong nước để tham quan, tìm hiểu mẫu máy, kinh nghiệm quản lý, vận hành trạm, kể cả việc trực tiếp sửa chữa máy biến áp 500kV của thủy điện Ya Ly để tích lũy học hỏi; hợp tác với các trường đại học, các cơ sở nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam để hoàn tất các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế đến chế tạo sản phẩm.

Công ty cũng đã cử nhiều đoàn công tác sang nước ngoài để học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và mua phần mềm thiết kế chế tạo máy biến áp, cũng như thuê chuyên gia tư vấn và lựa chọn đối tác cung cấp dây chuyền thiết bị máy móc, vật tư nguyên liệu phục vụ cho sản xuất; đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ của Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) và các ngân hàng thương mại để thu xếp nguồn vốn. Bên cạnh đó, phối hợp với Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT), Viện Năng lượng tổ chức khảo sát địa điểm xây dựng trạm biến áp, chuẩn bị lực lượng kỹ thuật để theo dõi quá trình thử nghiệm vận hành... và khẩn trương cải tạo, nâng cấp hệ thống nhà xưởng, kho tàng, tập kết vật tư thiết bị và tổ chức lại lực lượng lao động để thực hiện các công đoạn sản xuất theo tiến độ đề ra.

Ngay sau khi được các cơ quan liên quan thông qua Ðề tài cấp quốc gia về nghiên cứu thiết kế, chế tạo tổ máy biến áp điện lực 3 pha 500kV - 3 x 150MVA, EEMC đã thành lập Hội đồng Nghiên cứu chế tạo sản phẩm đứng đầu là Tổng Giám đốc Công ty Trần Văn Quang; kỹ sư Nguyễn Ðức Công, Phó Giám đốc công ty được giao làm Chủ nhiệm đề tài; các thành viên Hội đồng còn có các kỹ sư dày dạn kinh nghiệm, đã từng chủ trì nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 125MVA - 220kV như kỹ sư Trần Hữu Ánh, Trưởng phòng kỹ thuật, kiểm soát thiết kế; kỹ sư Nguyễn Quang Tuệ, thiết kế điện từ; kỹ sư Nguyễn Ðình Ðoàn, Phó trưởng phòng kỹ thuật, thiết kế cơ nhiệt, đồ gá; đặc biệt là kỹ sư, Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt - người đã đoạt giải thưởng Kovalevskaya đóng vai trò là thiết kế chính. Bên cạnh đó, công ty tổ chức, sắp xếp lại nhân sự các xưởng biến áp truyền tải; xưởng cơ khí; xưởng khí cụ điện và tự động hóa; xưởng cáp nhôm; phòng kỹ thuật; phòng KCS... bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong các dây chuyền sản xuất

Sinh ra để làm nữ Anh Hùng

Tối 24/4/2014, tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới trao giải thưởng WIPO cho nhà khoa học nữ xuất sắc nhất. Đây là lần thứ hai bà được vinh danh ở hạng mục này. Công trình được trao giải là máy biến áp 500kV.

Tại Lễ công bố giải thưởng ở Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (53 Nguyễn Du, Hà Nội) diễn ra 1 ngày trước, nhà khoa học nữ 63 tuổi kể, bà đã đi qua một khoảng thời gian rất khó khăn khi đảm nhận công việc này, dù trước đó, bà rất thành công với việc chế tạo máy biến áp 110kV (1993), máy biến áp 220kV (2003)

Năm 1975, tốt nghiệp khoa Điện, trường Đại học Bách khoa Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nguyệt về công tác tại phòng thiết kế Nhà máy sửa chữa thiết bị điện Đông Anh, Hà Nội - nay là Tổng Công ty Thiết bị Điện Đông Anh

Khi nhà khoa học lên ý tưởng chế tạo máy biến áp 500kV, thì bạn bà, 1 tiến sỹ ngành điện ở Liên Xô bảo: “Nguyệt không làm được đâu. Đây là 1 nhiệm vụ rất lớn, liên quan đến nhiều phạm trù. Bọn mình 8 tiến sỹ, toàn chuyên gia đầu ngành mới làm được. Một mình Nguyệt làm sao nổi”.

Khi bản thiết kế đầu tiên được hoàn thành, đoàn chuyên gia Trung Quốc được mời sang thẩm định đã cười hô hố rồi bỏ về :)) Họ nói lại với người phiên dịch: “Bà Nguyệt chỉ biết máy 110kV, 220kV, chứ bà ấy không biết gì về máy 500kV”

Nhà khoa học lại cặm cụi thiết kế. Đoàn chuyên gia Nga sau đó sang thẩm định vẫn cười toe toét bảo “thiết kế này tốt cho tản nhiệt”, “thiết kế này tốt cho làm mát”. Nhà khoa học nữ nhận ra mình vẫn chưa làm được. Không nản lòng, bà vẫn tiếp tục =((

Bà bảo làm khoa học thì phải mạo hiểm. Khi Tổng giám đốc EVN nói với bà “chúng tôi không bao giờ mạo hiểm bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để làm cái không chắc chắn”, bà đã nổi khùng và nói lại “trong nghiên cứu khoa học không có sự mạo hiểm thì không bao giờ thành công. Muốn khoa học phát triển phải có mạo hiểm”.

Thời gian này bà làm việc 12-13 tiếng mỗi ngày. Có thời kỳ làm việc thâu đêm. “Tôi ăn cũng thấy, ngủ cũng thấy, mơ cũng thấy máy biến áp. 10 ngày thì có đến 3 ngày mặc quần ngủ lên cơ quan”, bà kể.

“Có hôm tôi đến cơ quan, bước đi thấy khập khễnh, nhìn xuống, 1 chân đi giày, 1 chân đi dép của con”, kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt, người nữ anh hùng ngành điện nhớ lại những ngày chế tạo máy biến áp 500kV


Sau 2 năm nghiên cứu, máy biến áp 500kV thành công ngay lần thử nghiệm đầu tiên (máy biến áp 500kV của Liên Xô thành công ở lần thử nghiệm thứ 4). Năm 2012, sản phẩm được Chính phủ công nhận “Sản phẩm trọng điểm Quốc gia”.

Năm 2013, Hội đồng nghiệm thu khoa học cấp Nhà nước đánh giá tính hiệu quả, tính kinh tế và tính ứng dụng của đề tài nghiên cứu vào loại xuất sắc. Sản phẩm rẻ hơn hàng nhập khẩu 30 tỷ đồng/chiếc, giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á và thứ 12 trên thế giới chế tạo thành công sản phẩm này!

Các sản phẩm nghiên cứu trước đó của kỹ sư Nguyệt như máy biến áp 110kV, 220kV cũng giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng. Bà được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì những cống hiến cho ngành điện Việt Nam.

Máy biến áp 500kV đầu tiên do Việt Nam thần thánh sản xuất vận hành an toàn ổn định

Được đưa vào vận hành từ tháng 11/2011, đến nay máy biến áp 500kV do EEMC thiết kế và chế tạo đang vận hành ổn định tại Trạm biến áp Nho Quan – Ninh Bình.

Theo báo cáo của EVN NPT: Tình trạng làm việc của máy biến áp 500kV do EEMC chế tạo ổn định, nhiệt độ dầu, nhiệt độ các bối dây trong máy so với máy biến áp nhập từ nước ngoài về luôn luôn thấp hơn 18-20°C, khả năng chịu quá tải tốt, rất phù hợp đối với hệ thống lưới điện Việt Nam. 

Theo kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt, người thiết kế phần điện máy biến áp 500kV “Made in Vietnam” đầu tiên, thì với các máy biến áp có điện áp nhỏ hơn 220kV, việc chế tạo và thử nghiệm thành công cũng đồng nghĩa với đóng điện cũng thành công. Nhưng máy biến áp 500kV trở lên thì ngay cả ở nước ngoài, nhiều máy đã bị trục trặc, sự cố sau khi đóng điện vận hành một thời gian ngắn. Thậm chí một số máy nhập về Việt Nam sau khi vận hành 1 tháng đã không ổn định và 3 tháng sau thì hỏng hẳn.

Chính vì vậy, sự hoạt động ổn định máy biến áp 500kV “Made in Vietnam” trên hệ thống lưới điện 500kV cho thấy Việt Nam không chỉ thành công khi là 1 trong 12 nước sản xuất được loại máy biến áp này, mà còn khẳng định công nghệ chế tạo máy biến áp có cấp điện áp 500kV của EEMC đạt tiêu chuẩn quốc tế trong lĩnh vực chế tạo máy biến áp “siêu cao áp”.

Ðây là thành quả của tinh thần lao động sáng tạo, sự nỗ lực vượt bậc của tập thể kỹ sư, công nhân lao động EEMC

Trên thế giới, việc chế tạo máy biến áp 500kV và cao hơn không còn xa lạ với các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Pháp, Ðức, Mỹ, Italia... Ở Việt Nam, cũng có hàng chục công ty, doanh nghiệp liên doanh đã và đang chế tạo máy biến áp, nhưng cũng chỉ mới sản xuất được loại máy biến áp đến 110kV. Việc EEMC sản xuất thành công máy biến áp 500kV đầu tiên tại Việt Nam được coi là thắng lợi to lớn của nền cơ khí điện lực nước ta, bởi ngay cả các quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh ở khu vực Ðông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Malaisia, Philippines... cũng chưa có nước nào chế tạo được máy biến áp 500 kV.

Chỉ riêng số vốn đầu tư để sản xuất 1 máy biến áp loại này đã tiêu tốn khoảng 150 tỷ đồng, đó là chưa kể vốn đầu tư ban đầu cho nâng cấp nhà xưởng, dây chuyền thiết bị, công nghệ, kinh phí cho nghiên cứu, thiết kế và đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó còn phải tính tới việc sản phẩm làm ra phải bảo đảm vận hành an toàn trong điều kiện môi trường nhiệt đới ẩm và cả khi nhiệt độ cao do biến đổi khí hậu, để làm sao khi sản phẩm chế tạo xong đưa vào vận hành phải đạt tuổi thọ hơn 30 năm...

Thành công của công ty trong quá trình thực hiện là biết chắt chiu, tiết kiệm từng đồng vốn để dành sự ưu tiên cho đầu tư các hạng mục quan trọng. Trong đó phải kể tới việc tận dụng nhà xưởng, kho tàng, thiết bị công nghệ hiện có, không chỉ tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng cho doanh nghiệp do không phải đầu tư xây dựng mới mà còn dành số vốn này phục vụ cho nâng cấp nhiều thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao thu nhập cho người lao động. Ðặc biệt là, việc chế tạo máy biến áp 500kV còn giúp cho người lao động trong công ty tranh thủ học hỏi được nhiều kinh nghiệm quý về quản lý, kỹ thuật, về chế tạo sản phẩm chất lượng cao... từ các chuyên gia nước ngoài, qua đó làm chủ dây chuyền thiết bị công nghệ, mở ra một triển vọng mới là sản xuất hàng loạt máy biến áp 500 kV, tiết kiệm được ngoại tệ, phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Việc EEMC hoàn thành việc chế tạo máy biến áp 500kV đầu tiên, vào đúng dịp Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một trong những sự kiện kinh tế quan trọng hàng đầu không chỉ làm rạng danh Thủ đô Anh hùng mà còn là niềm tự hào của cả nước

Trò chuyện với Nữ Anh Hùng

Ngày 7-10-2010, tại Đông Anh, Hà Nội, tổ máy đầu tiên của công trình chế tạo máy biến áp 500kV tại Việt Nam do bà Nguyệt là tác giả chính đã hoàn thành và được tổ chức gắn biển chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây là chiếc máy biến áp 500kV đầu tiên được sản xuất tại Đông Nam Á

Tia Sáng đã có buổi trao đổi với kỹ sư Nguyễn Thị Nguyệt – người thiết kế chính công trình máy biến áp 500kV về tính ứng dụng của công trình và việc phát huy tiềm năng nghiên cứu khác trong lĩnh vực cơ khí chế tạo điện .

Xin bà cho biết ý nghĩa và sự cần thiết của máy biến áp 500kV đối với Việt Nam?

Cùng với xây dựng các nguồn điện, việc xây dựng hệ thống truyền tải và phân phối điện là hết sức quan trọng bởi điện năng từ nguồn đến nơi tiêu thụ thường biến đổi qua nhiều cấp điện áp, vì thế máy biến áp là thiết bị chính trong hệ thống điện lưới Quốc gia.

Từ khi có hệ thống điện lưới 500kV, nước ta vẫn phải mua các máy biến áp của nước ngoài và thuê chuyên gia của họ lắp ráp, không chỉ tốn kém, mà đôi khi chất lượng không bảo đảm do không phù hợp với điều kiện khí hậu ở Việt Nam. Do vậy, việc chủ động chế tạo máy biến áp 500kV là một đòi hỏi cấp bách của ngành cơ khí chế tạo điện.

Đối với EEMC và bản thân tôi, việc thiết kế chế tạo thành công máy biến áp 500kV, giúp chúng tôi thêm tự tin rằng với sự trợ giúp về tài chính của Nhà nước, công ty có thể làm ra được những sản phẩm cơ khí điện công nghệ cao với chất lượng tốt, đem lại những giá trị gia tăng thiết thực cho ngành điện và nền kinh tế, góp phần nâng cao vị thế ngành cơ khí chế tạo. 

Hẳn bà và các cộng sự đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn trong quá trình chế tạo máy biến áp 500kV?

Để thiết kế, chế tạo máy biến áp 500kV, chúng tôi phải đồng thời giải quyết hàng loạt vấn đề như: điều kiện nhà xưởng, giải pháp công nghệ, phương thức vận chuyển, tính kinh tế v...v

Việc đầu tiên là phải nghiên cứu, lựa chọn tiêu chuẩn thiết kế. Các tiêu chuẩn kỹ thuật phải dựa trên cơ sở những thông số của máy biến áp mà các nước đã cung cấp cho ngành điện hiện nay. Một cỗ máy biến áp 500kV thông thường rất phức tạp, bao gồm nhiều chi tiết. Mỗi chi tiết đòi hỏi một bản vẽ riêng. Riêng phần lõi máy, tôi đã phải thiết kế trên 750 bản vẽ. 

Trong quá trình thiết kế, chúng tôi phải bỏ ra hàng tháng trời để kiểm tra nghiêm ngặt mức độ tương ứng của các thiết bị trong phòng thí nghiệm trước khi đưa vào lắp ráp. Từ việc chế tạo bối dây, chế tạo vỏ đến công đoạn sấy máy đều được sử dụng những giải pháp công nghệ tiên tiến.

Không chỉ đặt mục tiêu sản phẩm thiết kế đạt tiêu chuẩn đề ra, chúng tôi còn đòi hỏi máy biến áp 500kV phải phù hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới, nhiều sét, nhiều núi cao và biển của Việt Nam. Vì vậy, EEMC đã bỏ ra gần một trăm tỷ đồng để cải tạo nhà xưởng với hệ thống lọc và sấy không khí, đầu tư trang thiết bị như đồ gá, giá đỡ, trụ chống, các dụng cụ thi công và công nghệ phù hợp để đáp ứng đủ chỉ tiêu kỹ thuật như về độ ẩm, môi trường không khí

Bà Nguyệt bên các đồng nghiệp trẻ trước máy biến áp 500kV

Trong thành tựu công nghệ ở tầm khu vực này, phần chúng ta tự nghiên cứu chiếm tỷ trọng như thế nào? Những hỗ trợ và hợp tác quốc tế (nếu có) đóng vai trò gì? 

Công trình này không phải là một sáng chế. Nó là sản phẩm do cán bộ, nhân viên kỹ thuật của EEMC với các kỹ sư dày dạn kinh nghiệm thiết kế, chế tạo. Trước đó, chúng tôi đã cử cán bộ quản lý, kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao tới các trạm biến áp trong và ngoài nước để học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất và mua phần mềm thiết kế chế tạo máy biến áp rồi tự mày mò, nghiên cứu và chế tạo sản phẩm máy biến áp 500kV “made in Vietnam” đầu tiên này. Sự hợp tác quốc tế ở đây chỉ dừng lại ở việc sau khi hoàn thành công trình, chúng tôi đã mời các chuyên gia trong lĩnh vực máy biến áp của Nga sang kiểm định chất lượng trước khi đưa vào chạy thử nghiệm bởi Việt Nam chưa có chuyên gia kiểm định trong lĩnh vực này.

Theo bà, máy biến áp 500kV của Việt Nam có những ưu, nhược điểm gì về chất lượng kỹ thuật so với những sản phẩm tương đương được thiết kế và sản xuất ở nước ngoài?

Máy biến áp 500kV của Việt Nam hoàn toàn được sản xuất theo tiêu chuẩn IEC – 60076 (tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá chất lượng kỹ thuật của máy biến áp hiện nay). Cũng phải nói ngay rằng, chúng ta đi sau thế giới về việc chế tạo máy biến áp 500kV hơn 30 năm, trình độ công nghệ chưa cao nên chưa thể nghĩ tới việc chế tạo được loại máy ưu việt hơn các nước khác. Nhưng ở máy biến áp 500kV này, chúng tôi đã biết kết hợp những ưu điểm của nhiều loại máy khác nhau trên thế giới để chế tạo ra máy biến áp phù hợp nhất với điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam chẳng hạn như hệ thống làm mát chia làm 2 dàn bố trí bên hông máy, có lắp bơm dầu và đồng hồ đo lưu lượng tản nhiệt, tạo ra kết cấu mới; vỏ nhiệt được thiết kế giúp tăng khả năng tiếp xúc dầu và không khí để giảm nhiệt nhanh. Đây là thiết kế khá sáng tạo mà nhiều loại máy tương đương ở một số nước chưa đáp ứng được. Tuy nhiên, máy biến áp này có khối lượng lớn lên đến vài trăm tấn, nặng hơn rất nhiều so với máy biến áp của nước ngoài, do chúng ta không chủ động được vật liệu nhập ngoại trong việc thiết kế và chế tạo vỏ máy.

Liệu thành công này sẽ tiếp tục mở ra triển vọng gì cho ngành cơ khí điện lực của Việt Nam?

Sau thành công của một công trình, chúng tôi hướng đến mục tiêu đầu tiên là tính ứng dụng của nó. Sau khi thử nghiệm thành công, máy sẽ được kéo đi vận hành tại Ninh Bình. Thời gian tới, tôi hi vọng chúng ta có thể sản xuất được nhiều máy biến áp 500kV thay thế việc mua loại thiết bị này ở nước ngoài với giá thành thường cao hơn khoảng 10%. Qua việc thiết kế, chế tạo thành công máy biến áp 500kV, có thể khẳng định, chúng ta có nhiều tiềm năng để tiếp tục nghiên cứu, cải tạo các loại thiết bị khác trong hệ thống truyền tải và phân phối điện như máy biến dòng, biến thế và các thiết bị điều khiển khác.

Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Nguyệt

Vậy theo bà cần có những giải pháp gì để khai thác hiệu quả những tiềm năng đó?

Nhu cầu về điện ở Việt Nam ngày một tăng lên, đồng thời những thiết bị cơ khí điện mua ở nước ngoài thường có giá cao và đôi khi không đảm bảo chất lượng. Trong bối cảnh ấy, vượt qua những khó khăn và hạn chế, ngành cơ khí điện lực đã khẳng định được năng lực của mình qua việc chế tạo và sản xuất với số lượng lớn các sản phẩm như cột thép, máy biến áp, thiết bị cơ khí thủy công... Chẳng hạn, 1 năm các cơ sở chế tạo máy biến áp có thể sản xuất được 40 - 50 máy biến áp 110kV và hàng chục máy biến áp 220kV. Tuy nhiên, đáng tiếc là con số đó vẫn chỉ đang ở dạng “tiềm năng” vì chúng ta hiện có khả năng đảm bảo tới gần 70% khối lượng sản xuất thiết bị cơ khí điện nhưng thực tế mới sản xuất chưa được 40%, phần còn lại đều phải đi nhập khẩu.

Vì sao vậy?

Có rất nhiều công trình điện, đặc biệt là những công trình lấy từ nguồn vốn ODA, chủ đầu tư thường dành những gói thầu sản xuất thiết bị cho nước ngoài trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể sản xuất được. Điều đó dẫn đến tình trạng những cơ sở sản xuất các mặt hàng đó không có việc làm, công nhân nhiều khi phải nghỉ việc không lương. Ví dụ, Việt Nam đã sản xuất được máy biến áp 220kV từ khá lâu nhưng hiện nay chúng ta vẫn tiếp tục mua loại máy này ở nước ngoài. Với các công trình do vốn trong nước, Nhà nước cần có chính sách bảo trợ mạnh mẽ hơn qua việc chỉ định thầu cho các cơ sở sản xuất thiết bị điện trong nước có mức giá phải chăng hơn giá mua của nước ngoài (với điều kiện Nhà nước giám sát chặt chẽ về chất lượng). Chỉ khi các nhà máy này xác nhận là không đáp ứng được các yêu cầu đó, thì Nhà nước mới cho phép mua của nước ngoài. Có như vậy mới tạo điều kiện cho các hợp đồng chế tạo máy biến áp được thực hiện ở Việt Nam.

Là người đã đảm nhiệm việc thiết kế, công nghệ chế tạo nhiều thiết bị điện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vậy bà đã được hưởng những quyền lợi gì từ những thành quả đó? 

Hầu hết các công trình nghiên cứu của tôi là những sản phẩm lần đầu tiên nghiên cứu của Việt Nam, thậm chí như máy 500kV là sản phẩm đầu tiên của Đông Nam Á. Tất cả những sản phẩm đó có trị giá kinh tế lớn, đến hàng tỷ đồng (máy biến áp 110kV), hàng chục tỷ đồng (máy biến áp 220kV), lớn đến hàng trăm tỷ (máy 500kV). Đi kèm với giá trị công trình là trách nhiệm đè nặng lên những người làm nghiên cứu khoa học. Vì thế, sau mỗi nghiên cứu, mặc dù biết sản phẩm đã qua được các hạng mục thử nghiệm nghiêm ngặt, nhưng bản thân chúng tôi luôn lo lắng khôn nguôi: không biết máy đóng điện, vận hành có tốt lành như thiết kế không?? Như một bà mẹ mang nặng đứa con trong bụng, chỉ mong sinh ra được “vuông tròn” chứ lúc đó có ai nghĩ đến sau này nó báo đáp đâu? Cứ đóng điện xung kích thành công, vận hành tốt đã là niềm vui vô giá đối với chúng tôi rồi. 

Còn nói đến thưởng, tôi nghĩ Nhà nước chúng ta đã ban hành chế độ thi đua “khen, thưởng”, nhưng chỉ dừng lại ở “khen”, mà chưa có “thưởng”... Người thân, bạn bè cứ hỏi tôi: “chị về hưu được hưởng nguyên lương chứ, Anh hùng Lao động được đãi ngộ những gì?… Tôi phải nói thật với họ: ngoài cái bằng khen và 5 triệu đồng ra còn có chế độ nào đâu :-S

Xin trân trọng cảm ơn bà.

Chế tạo máy biến áp 500 kV thứ hai tại Việt Nam

Sau khi chế tạo thành công máy biến áp 500 kV đầu tiên đạt kết quả khả quan, mới đây EEMC tiếp tục ký hợp đồng cung cấp tổ máy biến áp 500kV giá trị hơn 100 tỷ đồng cho Trạm 500kV Vũng Áng - Hà Tĩnh.



Tuổi 63 vẫn miệt mài nghiên cứu


Về hưu gần chục năm nay, nhưng bà vẫn miệt mài nghiên cứu để cải tiến máy biến áp 500kV.





Ngoài ra, nhà khoa học nữ còn vẽ tranh, làm thơ như một phần không thể thiếu của cuộc sống. “Tranh thủ làm trước khi lên lão”, bà cười khi được phóng viên hỏi về những dự định nghiên cứu tiếp theo.

2 nhận xét:

  1. Bên công ty mình chuyên chế tạo và lắp đặt may nghien go, rất mong hợp tác với quý công ty.

    Trả lờiXóa
  2. Một bài rất hay, rất ý nghĩa, cám ơn tác giả, mong tác giả có nhiều bài viết hơn nữa vê các mặt trong ngành điện.

    Trân trọng.

    Trả lờiXóa

Cảm ơn bạn đã cho nhận xét